Hiện điều phối dự án “Tăng cường hệ thống khuyến nông để áp dụng tiến bộ kỹ thuật trồng cây có múi cho nông dân nghèo Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)” do JICA tài trợ, ông Koshida Ryu có hơn chục năm công tác tại Việt Nam và rất am hiểu cây ăn trái của Việt Nam. Trao đổi với chúng tôi, ông Koshida nói:
- Trái cây Việt Nam rất ngon. Tôi đã sống ở Việt Nam hơn 10 năm và ngày nào cũng ăn, trong đó loại khoái khẩu nhất với tôi là xoài cát Hòa Lộc, xoài Cát chu, vú sữa, thanh long ... Trước đây chỉ có thanh long Việt Nam xuất sang Nhật, nhưng từ tháng 3/2013 sẽ có thêm xoài . Hai loại này được xử lý vỏ để diệt sâu bệnh, côn trùng bằng công nghệ hơi nước nóng trước khi xuất sang Nhật.
|
Nhật là xứ đảo nên trái cây rất hạn chế, nguồn cung cấp chủ yếu từ nhập khẩu. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là không nhiều người Nhật biết Việt Nam đang có rất nhiều loại trái cây hợp với khẩu vị của họ. Đa số chỉ biết qua con đường du lịch và ai khi đến ĐBSCL được ăn trái cây tươi đều rất thích. Đặc biệt, những người lớn tuổi rất thích thanh long vì độ ngọt vừa phải, mẫu mã đẹp.
"Tôi đem về Nhật nhiều sản phẩm đã chế biến từ |
- Theo ông, vì sao đến nay chỉ mới có hai loại được xuất sang thị trường Nhật?
- Đó là vì rào cản kỹ thuật. Nếu như Mỹ và một số nước khác chấp nhận kỹ thuật xử lý bằng chiếu xạ thì Nhật không chấp nhận. Mỗi loại trái cây có đặc điểm sâu bệnh, côn trùng khác nhau nên phải nghiên cứu tìm giải pháp, quy trình xử lý phù hợp. Thanh long xử lý bằng hơi nước nóng, xoài cũng tương tự nhưng kỹ thuật hơi khác nhau chút ít.
Muốn xuất khẩu vú sữa, chôm chôm, nhãn chẳng hạn thì phải nghiên cứu để có quy trình làm. Tôi nghĩ Việt Nam không nên chờ mà phải tìm hiểu nhu cầu thị trường Nhật (hoặc nước khác) có nhu cầu gì thì tập trung nghiên cứu tìm giải pháp xử lý ngay.
- Mỹ đã cấp mã số vùng trồng và cho phép nhãn, chôm chôm Việt Nam vào thị trường Mỹ, còn Nhật thì sao, thưa ông?
- Tôi nghĩ người Nhật cũng thích hai loại trái cây này và cả vú sữa nữa. Tuy nhiên còn phụ thuộc vào độ tươi của trái ra sao khi qua xử lý, vận chuyển mất nhiều ngày. Việc này cần phải thăm dò thị trường, nghiên cứu mới biết.
Người Nhật thích tính ổn định, nên chuối Việt Nam khó vào được thị trường này vì đã có chuối Philippines. Dù cam sành Việt Nam rất ngon nhưng cũng khó có cơ hội vì người Nhật thích cam có màu vàng của Mỹ và Úc.
- Để xuất khẩu trái cây sang Nhật và các thị trường khó tính khác, theo ông, cần phải làm gì?
- Nhật là thị trường khó tính hàng đầu thế giới nhưng lại rất uy tín. Một khi trái cây nào đó của Việt Nam được thị trường Nhật chấp nhận, ký hợp đồng nhập khẩu thì yên tâm, sẽ làm ăn lâu bền chứ không chụp giật, nay ký mai hủy hợp đồng như một số thị trường khác.
Theo tôi, cần phải khắc phục điểm yếu cố hữu là trái cây Việt Nam sản lượng nhỏ và chất lượng không đồng đều. Do người Việt Nam trồng cây ăn trái manh mún, mạnh ai nấy làm nên khi cần sản lượng lớn thì không có. Còn chất lượng thì trái to, trái nhỏ, trái ngọt, trái không... ngay trong cùng một lô hàng nên cũng rất khó thuyết phục người tiêu dùng.
- Ý ông là phải tổ chức lại sản xuất?
- Đúng vậy, cần phải tổ chức lại sản xuất thành những hợp tác xã, nông trại lớn để trồng cùng một giống, áp dụng cùng tiến bộ kỹ thuật, thu hoạch cùng lúc. Khi đó mới đáp ứng được nhu cầu về sản lượng và chất lượng để xuất khẩu. Các siêu thị ở Nhật hay Mỹ đều cần trái cây đó bán quanh năm, còn trái cây Việt Nam thu hoạch theo vụ, mỗi năm chỉ bán một đợt là thua rồi.
Ở Nhật nông dân liên kết lại với nhau thành hợp tác xã. Hợp tác xã này lo vay vốn cho nông dân sản xuất, lo kỹ thuật và chỉ đạo xử lý cho cây ra trái rải vụ quanh năm, có dây chuyền đóng gói hiện đại và lo luôn đầu ra sản phẩm (ký hợp đồng với siêu thị).
Theo Báo Tuổi Trẻ.